Tội phạm là gì?

Tội phạm là gì?

2025-01-15 15:08:05 19

Ở Việt Nam, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho người bị hại mà còn cho xã hội, đặc biệt là tội phạm về kinh tế. Một người là “tội phạm” ngoài việc bị pháp luật nghiêm trị thì còn bị xã hội nhìn nhận, đánh giá không tốt về nhân thân, không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người phạm tội mà còn làm ảnh hưởng đến người thân và gia đình.

Vậy “Tội phạm là gì?”. Cùng Luật Bắc Biển Đông tìm hiểu thông qua nội dung bài viết dưới đây:

Tội phạm là gì

1. Khái niệm tội phạm

Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật Hình sự phải xử lý hình sự.

Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.

2. Dấu hiệu của tội phạm

Để xem xét một hành vi có được coi là tội phạm hay không thì căn cứ vào 04 yếu tố, đó là: tính trái pháp luật hình sự, tính nguy hiểm cho xã hội, tính phải chịu hình phạt, tính có lỗi. Trong đó dấu hiệu về tính nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu cơ bản, quan trọng, quyết định các dấu hiệu khác.

* Tính nguy hiểm cho xã hội: Tính nguy hiểm cho xã hội được coi là dấu hiệu cơ bản, quan trọng nhất của tội phạm, được thể hiện thông qua hành vi nguy hiểm cho xã hội. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.

Để xác định tính nguy hiểm cho xã hội, thường dựa vào các căn cứ sau:

- Tính chất của quan hệ xã hội bị xâm hại;

- Phương pháp, thủ đoạn, công cụ, phương tiện phạm tội

- Mức độ gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho các quan hệ xã hội;

- Tính chất và mức độ lỗi;

- Động cơ và mục đích của người phạm tội;

- Các căn cứ khác như hoàn cảnh xã hội, nhân thân người phạm tội;…

* Tính có lỗi: Lỗi là thái độ tâm lý chủ quan của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội mà họ thực hiện và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra, được thể hiện dưới dạng lỗi cố ý và lỗi vô ý.

– Lỗi cố ý:

+ Cố ý trực tiếp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

+ Cố ý gián tiếp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xẩy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

– Lỗi vô ý:

+ Lỗi vô ý do quá tự tin: Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xẩy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

+ Lỗi vô ý do cẩu thả: Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Yếu tố lỗi trong tội phạm

* Tính trái pháp luật hình sự:

Theo quy định tại Điều 2 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, cơ sở của trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

- Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

- Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, một hành vi gây nguy hiểm cho xã hội sẽ không bị coi là tội phạm nếu hành vi đó không được quy định trong Bộ luật Hình sự. Nói cách khác, người có hành vi nguy hiểm cho xã hội sẽ không phạm tội nếu pháp luật hình sự không quy định hành vi của người đó. Đây cũng là căn cứ để đảm bảo quyền lợi của công dân, tránh việc xử lý tuỳ tiện.

* Tính phải chịu hình phạt: Bất cứ tội phạm nào cũng đều bị áp dụng hoặc đe doạ áp dụng biện pháp nghiêm khắc nhất là hình phạt. Hình phạt được coi là cơ chế răn đe, giáo dục đối với tội phạm.

3. Phân loại tội phạm

Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật hình sự, tội phạm được phân loại thành 04 loại sau đây:

Phân loại tội phạm

- Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm.

- Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù.

- Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù.

- Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 Bộ luật hình sự.

Liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ:

Hotline: 0944.026.888

Email: luatbacbiendong@gmail.com

Facebook: Luật Bắc Biển Đông

Trân Trọng!

 

Bình luận: