Quá trình trở thành Luật sư

Quá trình trở thành Luật sư

2025-01-22 14:07:43 30

Tại Lời nói đầu Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam (Ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng luật sư toàn quốc) có viết: “Nghề luật sư ở Việt Nam là một nghề cao quý, bởi hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm mục đích góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Hoạt động luật sư tại Việt Nam đã có từ trước những năm 1945. Năm 2009, Liên đoàn Luật sư Việt Nam ra đời đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc khẳng định vị thế và vai trò của Luật sư trong hoạt động tư pháp.

Với trách nhiệm và sứ mệnh nghề nghiệp cao cả như trên cùng với những “giá trị” mang lại thì nghề Luật sư ở Việt Nam ngày càng phát triển và được coi trọng.

Vậy để trở thành Luật sư thì phải bắt đầu như thế nào? Luật Bắc Biển Đông trình bày quá trình để trở thành Luật sư tại Việt Nam qua bài viết dưới đây để những ai có định hướng trở thành Luật sư có thể nắm được.

Quá trình trở thành Luật sư tại Việt Nam

1. Đào tạo trình độ cử nhân luật

Để trở thành Luật sư thì bước đầu tiên là mỗi người phải được đào tạo và tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Luật.

Chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành Luật tại Việt Nam thường kéo dài 04 năm, tuỳ vào hình thức đào tạo và quá trình học tập của mỗi người.

Ở Việt Nam, ngày càng có nhiều trường đại học tuyển sinh và đào tạo ngành Luật. Điều này cho thấy, ngành Luật ngày càng nhận được sự quan tâm và thu hút mọi người đăng ký học. Những cơ sở đào tạo ngành Luật uy tín, được đánh giá cao tại Việt Nam có thể kể đến như: Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Luật – Đại học Quốc Gia Hà Nội, Khoa Luật – Đại học Mở Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc Dân, Đại học Thương Mại, Học viện Ngân hàng…

2. Đào tạo nghề Luật sư tại Học viện tư pháp

Sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành Luật, để trở thành Luật sư, bước tiếp theo bắt buộc phải thực hiện là đăng ký học khóa học đào tạo nghề Luật sư. Thời gian đào tạo nghề Luật sư là 12 tháng. Sau khi kết thúc chương trình học, mỗi học viên sẽ được cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo nghề Luật sư.

Những người được miễn đào tạo nghề Luật sư bao gồm:

- Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên.

- Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sỹ luật.

- Đã là thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.

- Đã là thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát; chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.

Đào tạo Luật sư tại Việt Nam

3. Tập sự nghề Luật sư tại tổ chức hành nghề Luật sư

Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo nghề Luật sư, bước tiếp theo phải thực hiện là đăng ký tập sự tại tổ chức hành nghề Luật sư. Người tập sự làm thủ tục đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư ở địa phương nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư mà mình tập sự. Thời gian tập sự là 12 tháng.

Các trường hợp dưới đây được miễn hoặc giảm thời gian tập sự:

- Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp, điều tra viên trung cấp, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật, thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật được miễn tập sự hành nghề luật sư.

- Người đã là điều tra viên sơ cấp, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật được giảm hai phần ba thời gian tập sự hành nghề luật sư.

- Người có thời gian công tác ở các ngạch chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật, thẩm tra viên ngành Tòa án, kiểm tra viên ngành Kiểm sát từ mười năm trở lên thì được giảm một nửa thời gian tập sự hành nghề luật sư.

4. Kiểm tra kết quả hành nghề Luật sư

Khi kết thúc tập sự, người tập sự phải tham gia kỳ kiểm tra kết thúc tập sự hành nghề Luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức. Một năm, Liên đoàn tổ chức 02 kỳ thi hết tập sự Luật sư. Nếu đạt kết quả thì được Hội đồng kiểm tra cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Nếu không đạt thì phải tham gia kiểm tra lại. Có thể nói, kỳ kiểm tra kết quả hành nghề Luật sư là một trong những kỳ kiểm tra khó, tỷ lệ đạt kết quả không cao nên cần sự cố gắng và kiên trì của người tập sự.

5. Cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư, gia nhập Đoàn Luật sư và cấp thẻ hành nghề Luật sư tại Việt Nam

Điều 10 Luật Luật sư quy định về tiêu chuẩn của Luật sư như sau: là Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư. Và Điều 11 của Luật Luật sư cũng quy định: “Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật này muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư”.

Như vậy, sau khi trải qua tất cả các bước: có bằng cử nhân Luật, đã được đào tạo nghề Luật sư, qua tập sự hành nghề Luật sư, để hành nghề Luật sư hợp pháp tại Việt Nam thì phải được cấp chứng chỉ hành nghề và gia nhập một Đoàn Luật sư.

Theo đó, Luật sư tương lai phải đề nghị cấp xác nhận về việc đủ tiêu chuẩn Luật sư theo quy định tại Đoàn Luật sư đã đăng ký tập sự. Sau khi có xác nhận đủ tiêu chuẩn thì nộp xác nhận đó cùng với hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư tại Sở Tư pháp.

Sau khi có Chứng chỉ hành nghề Luật sư, Luật sư tương lai có quyền lựa chọn gia nhập vào Đoàn Luật sư bất kỳ để hành nghề. Sau khi có quyết định gia nhập Đoàn Luật sư, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp Thẻ Luật sư cho người gia nhập Đoàn Luật sư.

Làm thế nào để trở thành Luật sư

Có thể nói, nghề Luật sư là một nghề cao quý, nhiều vinh quang nhưng để trở thành một Luật sư giỏi, ngoài tố chất thiên bẩm, yêu cầu khắt khe về kiến thức và trình độ chuyên môn thì người học Luật cần phải có “tinh thần thép”, có ý chí bền bỉ vượt qua quá trình đào tạo kéo dài và kỳ tập sự khó khăn. Ngoài ra, Luật sư còn phải đáp ứng được những yêu cầu về mặt đạo đức và tuân thủ đúng quy tắc hành nghề, đạo đức nghề nghiệp. Tất cả những điều này, bản thân mỗi Luật sư phải tự mình tôi luyện và rèn rũa trong quá trình đào tạo và hành nghề.

Chúc mọi người thành công với định hướng đã chọn.

Liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ:

Hotline: 0944.026.888

Email: luatbacbiendong@gmail.com

Facebook: Luật Bắc Biển Đông

Trân Trọng!

Bình luận: