Trong cuộc sống, từ mua bán hàng hoá, chuyển nhượng cho đến những giao dịch dân sự khác như uỷ quyền, tặng cho… đều cần ký “Hợp đồng” để các bên có cơ sở cho việc thực hiện quyền, ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ với nhau. Các loại Hợp đồng thường gặp là: hợp đồng tặng cho, hợp đồng mua bán, hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng vay tài sản, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng uỷ quyền….
Khi các bên đã xác lập Hợp đồng với nhau thì phải có trách nhiệm tuân thủ các nội dung đã thoả thuận trong Hợp đồng. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp khi Hợp đồng đã được xác lập nhưng vì không tuân thủ quy định của pháp luật nên vô hiệu.
Vậy điều kiện có hiệu lực của Hợp đồng là gì?
Theo quy định tại Điều 385 Bộ luật dân sự 2015, “Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Hợp đồng cũng là một hình thức thực hiện “giao dịch dân sự”. Do vậy, khi đánh giá điều kiện có hiệu lực của Hợp đồng thì phải xem xét đến điều kiện có hiệu lực của “giao dịch dân sự”.
Đối chiếu với quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015, Hợp đồng có hiệu lực phải đảm bảo có đủ các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với hợp đồng được xác lập:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 21 Bộ luật dân sự người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Ví dụ: Người 15 tuổi được thừa kế 01 thửa đất. Mặc dù theo quy định của pháp luật người này có quyền sử dụng đối với thửa đất nhưng nếu người này ký Hợp đồng chuyển nhượng thửa đất khi chưa có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật thì Hợp đồng vô hiệu.
Đối với trường hợp một trong các bên tham gia xác lập Hợp đồng là tổ chức thì đại diện ký kết Hợp đồng phải là người đại diện theo pháp luật của tổ chức đó hoặc người được uỷ quyền hợp pháp.
Thứ hai, chủ thể tham gia hợp đồng hoàn toàn tự nguyện:
Khi tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự nói chung và khi tham gia giao kết Hợp đồng nói riêng, các cá nhân/ tổ chức xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận; không được lừa dối, đe doạ, cưỡng ép để ký Hợp đồng.
“Lừa dối” trong Hợp đồng là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
“Đe doạ”, “cưỡng ép” trong Hợp đồng là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện ký kết Hợp đồng nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.
Thứ ba, mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội:
Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
Ví dụ: Pháp luật cấm buôn bán động vật hoang dã dưới mọi hình thức nên không được ký kết Hợp đồng mua bán động vật hoang dã (ví dụ: hổ, báo gấm, voọc…). Hợp đồng mua bán động vật hoang dã không chỉ vô hiệu mà người thực hiện hành vi mua bán động vật hoang dã còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý về hình sự.
Thứ tư, trong trường hợp pháp luật yêu cầu hình thức của hợp đồng là điều kiện để hợp đồng có hiệu lực thì phải tuân thủ thủ quy định đó
Ví dụ: Khi các bên ký kết Hợp đồng chuyển nhượng đất, theo quy định thì Hợp đồng phải lập bằng văn bản công chứng thì các bên phải công chứng Hợp đồng này. Trường hợp các bên ký kết Hợp đồng nhưng không công chứng thì Hợp đồng vô hiệu.
* Hậu quả pháp lý của Hợp đồng vô hiệu
Khi thực hiện giao kết Hợp đồng nhưng không đảm bảo được một trong các điều kiện nêu trên thì Hợp đồng vô hiệu. Khi Hợp đồng vô hiệu thì không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm Hợp đồng được xác lập.
Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp Hợp đồng đã ký kết, đã được thực hiện nhưng bị Toà án tuyên vô hiệu do không đảm bảo được một trong các điều kiện nêu trên. Nhiều trường hợp sau khi ký Hợp đồng, còn phát sinh các quan hệ pháp luật/ giao dịch dân sự với các bên khác khiến việc xử lý hậu quả pháp lý của Hợp đồng vô hiệu cũng trở lên phức tạp. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 131 Bộ luật dân sự 2015, việc giải quyết hậu quả pháp lý của Hợp đồng vô hiệu được thực hiện đảm bảo theo nguyên tắc sau:
- Khi Hợp đồng vô hiệu, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
- Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
- Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Hợp đồng đóng vai trò rất quan trọng trong việc ghi nhận nội dung thoả thuận, cam kết giữa các bên, là cơ sở để hai bên thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình; đồng thời cũng là chứng cứ quan trọng trong trường hợp các bên có phát sinh tranh chấp. Do vậy, việc đảm bảo điều kiện có hiệu lực của Hợp đồng rất quan trọng, góp phần tạo dựng hành lang pháp lý vững chắc cho các bên khi tham gia xác lập quan hệ Hợp đồng.
Trên đây là nội dung về “Điều kiện có hiệu lực của Hợp đồng”.
Liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ:
Hotline: 0944.026.888
Email: luatbacbiendong@gmail.com
Facebook: Luật Bắc Biển Đông
Trân Trọng!
Bình luận: